Rời xa những ồn áo náo nhiệt của phố thị, đến Hồ Dầu Tiếng ngay lập tức bạn sẽ cảm nhận được ngay sự yên bình bởi khí hậu mát mẻ, không gian hồ rộng lớn với những bãi cỏ trải dài, xa xa là nhấp nhô những ngọn núi tạo nên khung cảnh tuyệt vời cho những ai muốn gần gũi với thiên nhiên.
Chính vì thế mà thời gian gần đây chủ đề “Cắm trại Hồ Dầu Tiếng” được bàn tán xôn xao trên các cộng đồng nhóm cắm trại khu vực Sài Gòn.
- Địa điểm: Hồ Dầu Tiếng
- Vị trí: Huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương và một phần tỉnh Tây Ninh
- Tọa độ: 11.399601, 106.352119
- Diện tích mặt hồ: 27 km2
- Thời cắm trại: 2 ngày 1 đêm
- Hoạt động Outdoor nổi bật: Trekking, Camping, Đốt lửa trại, Chèo thuyền Kayak hay ván chèo đứng (SUP), Bơi lội, Câu cá
- Thời gian lý tưởng: tháng 6 – tháng 10
Cắm trại Hồ Dầu Tiếng là hoạt động phù hợp cho cả nhóm bạn và gia đình, nên nếu bạn đang ấp ủ một chuyến cắm trại qua đêm và cùng nhau trải nghiệm một cuộc sống giữa thiên nhiên thì hãy tham khảo ngay những thông tin bổ ích dưới đây
Trong bài viết này LEUTRAI.VN sẽ cùng bạn khám phá những hoạt động và cùng nhau chia sẻ những “Kinh nghiệm đi cắm trại hồ Dầu Tiếng từ A-Z” để bạn có những chuẩn bị hoàn chỉnh nhất cho chuyến đi sắp tới nhé!
Mục lục
- 1 1. GIỚI THIỆU VỀ HỒ DẦU TIẾNG
- 2 2. THỜI GIAN ĐI CẮM TRẠI HỒ DẦU TIẾNG THÍCH HỢP
- 3 3. HƯỚNG DẪN ĐƯỜNG ĐI ĐẾN HỒ DẦU TIẾNG
- 4 4. NHỮNG HOẠT ĐỘNG OUTDOOR KHI CẮM TRẠI Ở HỒ DẦU TIẾNG
- 5 5. NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐẸP Ở HỒ DẦU TIẾNG
- 6 6. NHỮNG MÓN ĂN KHI ĐI CẮM TRẠI HỒ DẦU TIẾNG
- 7 7. LỊCH TRÌNH CẮM TRẠI HỒ DẦU TIẾNG THÍCH HỢP
- 8 8. CHUẨN BỊ ĐỒ TRƯỚC KHI ĐI CẮM TRẠI HỒ DẦU TIẾNG
- 9 9. LƯU Ý – KINH NGHIỆM CẮM TRẠI HỒ DẦU TIẾNG
- 10 10. CHI PHÍ CHO CHUYẾN ĐI
- 11 11. NHỔ TRẠI VÀ RA VỀ
1. GIỚI THIỆU VỀ HỒ DẦU TIẾNG
Hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận chính yếu tại huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương, trải rộng quanh các huyện Hơn Quản tỉnh Bình Phước và một phần nhỏ ở Tân Châu, Tây Ninh.
Hồ Dầu Tiếng nổi tiếng là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với diện tích mặt hồ lên đến 27Km2. Hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng từ năm 1981 với sự tham gia của hầu hết nhân dân tỉnh Tây Ninh để đào hồ và hoàn thành vào năm 1985.
Không chỉ nổi tiếng là công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất của khu vực phía Nam, hồ Dầu Tiếng còn là nơi có cảnh đẹp thơ mộng, thiên nhiên hữu tình với bãi cỏ trải dài, mặt nước mênh mông và mặt trời mất dạng sau ngọn núi, chính vì thế mà các bạn trẻ từ lâu đã lựa chọn đây là địa điểm vui chơi giải trí, tham quan, cắm trại.
2. THỜI GIAN ĐI CẮM TRẠI HỒ DẦU TIẾNG THÍCH HỢP
Khi đi cắm trại hồ Dầu Tiếng bạn cần chú ý 2 mùa là mùa nước nổi và mùa nước cạn:
- Mùa nước nổi: thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, thời điểm này Tây Ninh mưa nhiều nên mực nước trong hồ cao. Vì thế, cắm trại hồ Dầu Tiếng thời điểm này bạn sẽ gặp một chút khó khăn để tìm địa điểm dựng trại.
- Mùa nước cạn: thường là từ tháng 12 – tháng 4, đây là thời điểm lý tưởng nhất để cắm trại ở hồ Dầu Tiếng. Bởi vì, Tây Ninh thời điểm này ít mưa, khô nóng nhưng khi tới hồ Dầu Tiếng bạn sẽ cảm thấy mát mẻ. Ngoài ra, cắm trại mùa này sẽ thuận lợi cho việc di chuyển cũng như tham gia các hoạt động bên ngoài.
- Giữa mùa nước nổi và mùa nước cạn: Nhóm mình mới đi giữa tháng 6 về, thời tiết khá đẹp, lộng gió, nước nhiều nhưng vẫn còn điểm cắm trại có view đẹp. Mùa này có đặc điểm là nắng, nước mát, trong, nói chung đi cắm trại hồ ở Dầu Tiếng tầm này là “tuyệt vời nhất”
3. HƯỚNG DẪN ĐƯỜNG ĐI ĐẾN HỒ DẦU TIẾNG
Tùy vào vị trí của bạn các hồ Dầu Tiếng bao xa mà bạn có thể chọn di chuyển bằng Ô tô hoặc xe máy, cơ bản đi phương tiện nào cũng được, và phương tiện nào cũng đều có những ưu nhược điểm riêng
- Xe máy: Bạn thoải mái ngắm nghía, cảm nhận cả quãng đường đến hồ, thi thoảng ý ới nhau và mang tính chất phượt nhiều hơn. Nhưng đi bằng xe máy thì bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc mang đồ.
- Ô tô: Hơi ít trải nghiệm về cảnh quan cũng như quãng đường đến đây nhưng lại an toàn và chở được rất nhiều đồ dùng thiết yếu.
Nhóm mình hôm đó chọn đến Dầu Tiếng bằng xe máy vì quãng đường cũng không quá xa, đi không mệt, và các bạn trong nhóm đều muốn dựng trại xong là lấy xe máy đi loanh quanh ở khu hồ. Và cả nhóm đều happy với lựa chọn đi xe máy.
Hướng dẫn đi đến hồ Dầu Tiếng
- Từ Sài Gòn: Theo quốc lộ 13 – Ngã ba Suối Giữa – rẽ trái vào đường Nguyễn Chí Thanh – chạy dọc đến đường DT744 – rẽ phải vào đường Cách Mạng Tháng Tám – đường Trần Văn Lắc – rẽ phải vào đường DT702 – men dọc DT702 bờ hồ là đến.
- Từ Tây Ninh: Đi từ Tây Ninh thì bạn đi theo đường Cách Mạng Tháng Tám – qua tòa thánh Tây Ninh – ngã rẽ vào núi Bà Đen. Qua thị trấn Dương Minh Châu – rẽ phải theo đường ven hồ là đến nơi cắm trại
Link map chỉ đường: https://bitly.com.vn/4I457
Mẹo nhỏ: để tìm được điểm có view đẹp: Đi theo đường chùa Thái Sơn tới ngã quẹo trái, đi thẳng vô đường công ty có mấy bụi chuối rồi men theo đường mòn tìm bãi đẹp thì hạ trại.
Nếu chưa một lần cắm trại hồ Dầu Tiếng, bạn hãy xem ngay những trải nghiệm không thể bỏ qua dưới đây:
4. NHỮNG HOẠT ĐỘNG OUTDOOR KHI CẮM TRẠI Ở HỒ DẦU TIẾNG
Không giống các địa điểm cắm trại khác, đến hồ Dầu Tiếng bạn sẽ được trải nghiệm không chỉ 1,2,3 hoạt động, mà ở đây bạn có thể trải nghiệm tất cả các hoạt động mà một điểm cắm trại cần có như:
- Hồ rộng lớn để: Bơi, câu cá, mò hến, chèo thuyền, chơi ván chèo đứng
- Bãi cỏ thênh thang để: Cắm trại, đốt lửa, nấu ăn
- Rừng: Kiếm củi hoặc tham quan, trekking
- Núi: Lên núi Bà Đen với 996m
4.1. Bơi
Với diện tích mặt hồ rộng, Dầu Tiếng đã trở thành “Bãi biển Tây Ninh” mà người ta hay nói vui là đi “tắm biển Tây Ninh”. Hồ rất sạch, không có rác nên cảm giác tắm ở đây không khác gì khi bạn đi tắm biển. Bạn có thể cùng nhóm bạn tắm, chơi một số trò chơi thể thao dưới nước.
Nhóm của mình, sau khi dựng lều và sắp xếp đồ đạc xong là mọi người nhào ngay xuống hồ để tắm.
Không chỉ bơi, bạn còn có thể xuống hồ mò hến và sò. Hến và sò ở đây khá nhiều, chính vì vậy bạn hãy chuẩn bị một số thực phẩm để sắp xếp nấu một nồi canh chua với hến nhé! Đây là thành quả của các thanh niên vừa tắm vừa mò hến.
4.2. Câu cá
Trước khi đến đây cắm trại, các bạn cũng nên chuẩn bị một số dụng cụ để câu cá: Cần câu, lưỡi câu, mồi, thính để có thể thư giãn bằng hoạt động câu cá. Để có vị trí câu thuận lợi và phù hợp với cả nhóm, bạn nên tìm một vị trí dựng trại vừa gần vị trí ngồi câu, vừa gần rừng để dễ lấy củi nhé. Vì đôi khi vị trí dựng trại lại quá xa vị trí câu thành ra các bạn phải đi lại khá bất tiện.
Bọn mình câu được khá nhiều cá nhưng chỉ để lại 2 con để tối nướng, còn đâu lại thả về hồ.
4.3. Chèo thuyền SUP hồ Dầu Tiếng
Khá may mắn khi nhóm cắm trại của mình mượn được một chiếc bè nhỏ của bác trai đi cấy ở gần đó về, cảm giác chèo thuyền đứng giữa hồ rộng mênh mông là một cảm giác không mấy khi có được trong đời, nó vừa khác lại vừa lạ và không tả được thành lời. Chính vì thế bạn hãy chủ động thuê SUP trước khi đến đây để tự mình tận hưởng,
Tiện thể mình cũng khoe ảnh đẹp để các bạn chiêm ngưỡng luôn
4.4. Ngắm hoàng hôn và bình minh
Không có cảnh đẹp nào bằng hoàng hôn và bình minh, nhất là với không gian của hồ Dầu Tiếng, nơi vừa có núi, vừa có mặt nước mênh mông và vừa có những bãi cỏ thênh thang cho bạn nằm dài trên bãi cỏ, ngắm nhìn bầu trời và nghĩ ngợi những gì đó xa xăm.
4.5. Đốt lửa và nấu đồ ăn
Buổi tối ở hồ Dầu Tiếng, bạn có thể cùng cả nhóm đốt lửa trại và nướng đồ ăn, nhóm mình đã đi kiếm củi lúc buổi chiều, đến tối mọi người mang hến ra nấu canh, nướng cá mới câu được, ngoài ra còn có gà và thịt bò, tôm bọn mình đã chuẩn bị trước… đủ cho cả nhóm một bữa ngon miệng.
Không có gì thú vị bằng cảm giác bạn ở nơi hoang dã, tự chuẩn bị cho mình một bữa ăn cùng nhóm bạn và nhất là còn có cả những đồ ăn chúng ta tự kiếm về.
Nhóm mình cũng chuẩn bị khá chu đáo về đồ ăn, có cả bia và đá, buổi tối sẽ là lúc đánh chén tuyệt vời nhất
4.6. Văn nghệ – hát hò
Trong không gian mênh mông, bọn mình vừa ngồi ăn, vừa chơi đàn guitar, vừa ngồi hát quanh đống lửa, cảm giác này chỉ khi đi cắm trại bạn mới có được.
Hôm đó bên cạnh nhóm mình cũng có một vài nhóm cắm trại khác, một vài bạn cũng tới giao lưu làm không khí càng thêm gắn kết và vui vẻ. Nếu bạn không kiếm được anh chàng nào biết chơi guitar, bạn có thể chuẩn bị chiếc loa kéo và Mic để hát Karaoke cũng rất vui
Còn rất nhiều những trải nghiệm khác nữa mà bạn cùng cả nhóm có thể lên trước kế hoạch vui chơi để chuẩn bị đồ chu đáo nhé. Còn dưới đây là những kinh nghiệm khi đi cắm trại hồ Dầu Tiếng mà bạn cần lưu ý.
5. NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐẸP Ở HỒ DẦU TIẾNG
Cảnh đẹp hồ Dầu Tiếng không thể nói hết bằng lời. Ở đây là tất cả những khoảnh khắc nhóm mình vui chơi quanh hồ Dầu Tiếng:
6. NHỮNG MÓN ĂN KHI ĐI CẮM TRẠI HỒ DẦU TIẾNG
Xung quanh hồ Dầu Tiếng không có nhiều quán ăn, nhà nghỉ, khách sạn nên đồ ăn trong ngày các bạn phải chuẩn bị đầy đủ nhé. Nhóm mình các bạn đều thích nướng đồ ăn nên cả nhóm cũng chuẩn bị khá đủ:
- Gà nướng 2 con
- Cá chuối (cá lóc) 3 con
- Tôm
- Thịt bò
- Thịt heo
- Đậu bắp, ngô
- Phở cuốn
- 1 thùng bia
- Trái cây
Sau đây là gợi ý lịch trình ăn uống trong ngày khi đi cắm trại hồ Dầu Tiếng cho bạn tham khảo:
Ăn sáng ngày đi:
Trước khi xuất phát, các bạn nên nhâm nhi trước bằng đồ ăn nhẹ hoặc ghé quán ăn nào đó để thưởng thức các món ngon nóng hổi. Có như thế mới đủ năng lượng di chuyển và vui chơi cả ngày dài.
Ăn trưa:
Khi đến hồ Dầu Tiếng, bạn và nhóm của mình có thể chọn ăn trưa ở các quán nằm xung quanh hồ. Hoặc nếu có mang theo cơm hộp đã chuẩn bị thì cứ việc lấy ra thưởng thức.
Nếu bạn có đem theo ấm đun và bếp ga nhỏ, có thể pha thêm cốc cà phê nóng hổi để vừa “chill” vừa nhâm nhi từng ngụm cà phê ngọt ngào.
Ăn tối:
Tổ chức một bữa tiệc nướng BBQ trong khung cảnh tự nhiên từ lâu đã trở thành hình ảnh không thể thiếu. Khoảnh khắc quây quần bên nhau, thưởng thức từng món nướng thơm lừng, thủ thỉ với nhau bao điều trong cuộc sống và tận hưởng không khí mát mẻ, gió hiuhiu từng đợt, thật tuyệt đúng không nào!
7. LỊCH TRÌNH CẮM TRẠI HỒ DẦU TIẾNG THÍCH HỢP
Với kinh nghiệm cắm trại hồ Dầu Tiếng của nhóm mình thì các bạn nên cắm trại trong thời gian 2 ngày 1 đêm. Khoảng thời gian này không quá dài, cũng không quá ngắn, nó vừa đủ có nhiều trải nghiệm thú vị.
Lịch trình: bạn nên xuất phát tới hồ từ sáng ngày thứ 7 rồi vui chơi, cắm trại qua đêm. Xong chủ nhật thu dọn đồ đạc và khám phá một số địa điểm xung quanh. Đến chiều ngày chủ nhật về nhà nghỉ ngơi để lấy sức thứ 2 còn đi học, đi làm
Xem thêm:
8. CHUẨN BỊ ĐỒ TRƯỚC KHI ĐI CẮM TRẠI HỒ DẦU TIẾNG
Khi lên kế hoạch đi chơi, mình phải chuẩn bị mọi thứ. Thiếu cái gì, mình sẽ đi mua hoặc đi thuê trước hôm cắm trại. Mọi vật dụng mình sẽ liệt kê dưới đây nhé:
- Bạt (ngồi chơi, uống nước, ăn cơm, mái che, mái lều,…)
- Balo du lịch (Mọi đồ vật cần thiết đều đặt trong balo du lịch)
- Quần áo (quần áo sau khi tắm ở hồ, khi ngủ)
- Cắm trại hồ Dầu Tiếng thì bạn nên đi 1 đôi giày thể thao và mang thêm đôi dép khi đi lại ven hồ
- Lều cắm trại cá nhân hoặc lều cắm trại 4 người, đệm hơi, gối hơi
- Đồ vệ sinh cá nhân
- Nước uống: 3 – 5 lít/ người
- 1 dao nhỏ, 1 dao lớn để kiếm củi, gia vị, bát đĩa ăn 1 lần
- Thuốc men cơ bản
- Búa đóng cọc lều trại, bật lửa, túi đựng rác, áo mưa mỏng
- Ít nhất 1 sạc dự phòng, máy ảnh
- Đèn pin (đeo đầu hoặc cầm tay) và đèn lều
- Đồ dùng vệ sinh, nước rửa tay
Ngoài ra bạn còn phải chuẩn bị một số dụng cụ nấu nướng cần thiết khác như:
- Thùng đựng đá, bia, nước lạnh
- Nồi nấu: Để nấu nướng
- Gia vị nấu, ướp cá
- Vài đoạn dây thép buộc để dựng lửa trại và nướng đồ
- Bàn ghế dã ngoại
Lưu ý: Khi cắm trại hồ Dầu Tiếng, các bạn nên mua một số loại quần áo mau khô. Nếu di chuyển bằng xe máy, anh em cũng nên kiểm tra dầu nhớt, phanh, lốp đầy đủ nhé!
Ngoài những vật dụng bên trên, mình cũng mang theo đàn guitar, loa nhỏ và một số đồ vật để tổ chức các hoạt động vui chơi để tạo bầu không khí cho cả nhóm.
Xem thêm:
9. LƯU Ý – KINH NGHIỆM CẮM TRẠI HỒ DẦU TIẾNG
Lần đầu cắm trại hồ Dầu Tiếng nên nhóm mình chưa có nhiều kinh nghiệm, vì thế khi cắm trại còn gặp nhiều bất cập khiến cuộc vui chưa được trọn vẹn. Nhưng không sao, nhờ đó mà mình có một số lưu ý cho các bạn trước khi cắm trại hồ Dầu Tiếng:
- Nên đi sớm để tìm được điểm cắm trại đẹp. Mình hôm đó đi hơi muộn nên điểm hạ trại chưa được ưng lắm.
- Mang theo túi ngủ. Hôm ấy trời rõ nóng nên chả anh em nào mang túi ngủ, thế là đêm nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, mấy anh em cứ co ro mà nằm
- Nên mang thừa quần áo. Không nghĩ rằng nước hồ Dầu Tiếng trong mát đến vậy, nhảy xuống tắm thế là chẳng có quần áo mặc luôn.
- Nhớ mang theo kem chống nắng và kem chống muỗi. Kem chống nắng không mang cũng được nhưng thuốc chống muỗi nhất định phải có. Dù máu bạn là O hay AB thì muỗi vẫn cứ bám và xin ít máu như thường
- Kiểm tra dầu nhớt, phanh và lốp xe trước khi đi. Mình lái xe thì không vấn đề gì nhưng đây là kinh nghiệm khi đi đường xa mà các bạn nên biết nhé.
- Kiếm nhiều củi để tránh đêm phải đi tìm củi. Vì củi quanh hồ rất ít, bạn phải vào rừng mới lấy được
- Vệ sinh khu vực cắm trại khi ra về. Cũng là luật bất thành văn rồi, ăn uống hay dựng trại xong thì bạn nên vệ sinh, xử lý chỗ hạ trại rồi mới đi về nhé.
10. CHI PHÍ CHO CHUYẾN ĐI
Mình tính tổng chi phí mỗi người đi chơi, ăn uống thoải mái và mua thêm một số đồ vật còn thiếu khi cắm trại hết khoảng 350k/ người. Chi phí 350k/ người là hơi cao so với nhiều team cắm trại. Nhưng với mình thì mình thấy rất xứng đáng vì cắm trại hồ ở Dầu Tiếng mang lại cho cả nhóm rất nhiều trải nghiệm mới và kỷ niệm
11. NHỔ TRẠI VÀ RA VỀ
Sáng chủ nhật cả nhóm ý ới nhau dậy sớm, nếu ở nhà thì chắc chắn không, nhưng ở đây không khí trong lành, chất lượng giấc ngủ rất tốt thành ra không ai mệt. Cả nhóm dậy vệ sinh cá nhân và đón bình minh. Sau đó chuẩn bị đồ ăn nhẹ và thu dọn chiến trường. Điểm du lịch tiếp theo cả nhóm lựa chọn là “Suối Trúc” trước khi ra về.
Bài viết vừa là câu chuyện vừa là những kinh nghiệm cắm trại hồ Dầu Tiếng mà của cá nhóm muốn chia sẻ tới các bạn. Mình hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn có chuyến đi tuyệt vời nhất.
Đừng quên LEUTRAI.VN luôn sẵn sàng giúp bạn chuẩn bị tất cả những đồ cắm trại cần thiết và kinh nghiệm để bạn có chuyến đi dã ngoại đáng nhớ nhất nhé!